Lúa lộn (lúa đốc), lúa ma (lúa trời, lúa hoang), lúa hai tầng hay còn gọi là lúa cỏ là loại dịch hại đặc biệt nghiêm trọng, làm giảm năng suất lúa từ 15 – 20%, nếu tỷ lệ lúa lộn cao có thể không cho thu hoạch được và lây nhiễm trầm trọng cho những vụ mùa sau. Hiểu được nỗi lo của bà con, chúng tôi cung cấp một số thông tin liên quan về lúa lộn, lúa ma, với mong muốn giúp bà con nhận biết và sớm có biện pháp xử lý kịp thời.
Giải pháp phòng trừ lúa lộn, lúa ma, lúa hai tầng
Nguồn gốc lúa ma
Lúa ma là tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay, thường mọc hoang dại ven sông, rạch, ao nhỏ trong vườn cây ăn trái. Ngày nay lúa hay mọc xen vào các ruộng lúa trồng. Do đặc tính mọc hoang và phát triển tự nhiên nên nông dân đã đặt tên cho loại lúa này là lúa trời.
Lúa ma (lúa cỏ) rất giống lúa thường, sinh trưởng rất nhanh; trổ bông sớm hơn lúa thường, có râu dài, hoặc không có râu, tỉ lệ lép cao, dễ đổ ngã. Ngoài ra, giống lúa này còn có một đặc điểm nổi bật là hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi ánh nắng mặt trời xuất hiện. Ngày xưa nông dân phải thức từ lúc khuya để vào ruộng thu hoạch lúa trước khi mặt trời mọc. Có lẽ vì tính ma mị này mà giống lúa này được gọi tên là lúa ma.
Đặc điểm của lúa lộn, lúa ma, lúa hai tầng
- Dịch hại lúa lộn, lúa ma, lúa hai tầng thường khó nhận diện ở giai đoạn đầu do cây mạ rất giống với lúa trồng, các loại lúa hoang này thường sinh trưởng và phát triển mạnh nên có thể dễ gây nhầm lẫn đó là những cây lúa tốt.
- Rễ lúa ma phát triển mạnh mẽ, có khả năng khử các chất gây chua, hút lấy dinh dưỡng và nước trong đất để tăng trưởng. Nhờ rễ đã bám chặt trong đất nên nước lũ dâng cao tới đâu thì cây lúa cũng ngoi theo tới đó. Cây có thể vượt rất nhanh theo nước, thân cây lúa tăng trưởng hơn 10cm/ngày.
- Lúa lộn, lúa ma, lúa 2 tầng được chia làm các loại chính sau: cây thân cao, hạt thóc râu dài; cây thấp, hạt thóc có râu và cây lùn, hạt thóc không râu.
Đặc điểm dễ nhận diện nhất của lúa cỏ chính là hạt lúa:
- Hạt lúa cỏ có râu dài, dễ dàng nổi trên mặt nước rồi lan truyền đi nơi khác, chim, chuột rất sợ ăn phải những hạt này vì nếu lỡ ăn thì không thể nuốt được, có thể gây nghẹn chết.
- Hạt lúa ma trơn và lép hơn lúa trồng nên năng suất rất thấp. Bà con nông dân cũng không thể thu hoạch loại lúa này chung với lúa thường do chúng thường chín trước và tự rụng
- Hạt lúa cỏ sống rất lâu, khi rụng xuống bị vùi trong đất, bị ngâm nước nhưng nó vẫn duy trì sức sống mãnh liệt và có thể nảy mầm trong vài năm.
Tác hại của lúa cỏ
- Lúa lộn, lúa ma, lúa cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với lúa trồng: Nhờ khả năng phát triển mạnh mẽ mà lúa cỏ có bộ rễ khỏe hơn giúp hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn và mọc cao vượt lên trên lúa trồng gây cạnh tranh ánh sáng.
- Làm giảm năng suất: Lúa ma có hạt lép nên không mang lại năng suất cho bà con nông dân, ngoài ra sự cạnh tranh dinh dưỡng và dễ bị đổ ngã của cây lúa ma, lúa cỏ cũng làm giảm năng suất của những cây lúa trồng.
- Giảm chất lượng gạo: hạt của các loại lúa lộn, lúa ma, lúa 2 tầng có màu sắc khác với hạt gạo bình thường, nên khi thu hoạch bị lẫn vào lúa trồng sẽ làm giảm phẩm chất gạo cũng như giảm giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.
Kinh nghiệm xử lý lúa cỏ, quản lý lúa lộn, diệt lúa 2 tầng
Để quản lý tốt lúa lộn, lúa ma, lúa hai tầng bà con cần hiểu rõ các nguyên nhân chúng xuất hiện và có biện pháp xử lý sớm:
- Giống lúa: Cần sử dụng lúa giống đảm bảo chất lượng (giống nguyên chủng, giống xác nhận). Hạn chế việc tự để giống qua các vụ, đặc biệt không sử dụng lúa tự để ở những vùng đã có lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau.
- Khử lẫn: Đối với ruộng lúa đang bị lúa cỏ gây hại rải rác cần phải nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay; thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi mới trổ đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan. Những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ trên 70% cần khoanh vùng (đắp bờ ngăn, chăng lưới mắt nhỏ trên ruộng), thu hoạch riêng, tận thu, cắt sát gốc; Sau khi thu hoạch, phơi khô rơm, rạ và vun gọn tiến hành đốt để tiêu diệt tàn dư.
- Vệ sinh đồng ruộng: Sau khi thu hoạch tiến hành đưa nước tạo ẩm trên ruộng để nhử hạt lúa cỏ và các loại cỏ dại nảy mầm, sau đó tiến hành cày lật và ngâm dầm; trước khi vào vụ gieo cấy tiến hành làm đất kỹ.
- Nguồn lây lan: Vệ sinh máy gặt sau khi thu hoạch lúa ở vùng bị nhiễm lúa cỏ để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng, các vùng, các xã khác nhau. Hạt lúa cỏ có thể trôi và phát tán theo đường nước tưới tiêu, do đó cần khoanh vùng bị nhiễm, vệ sinh đồng ruộng và kênh mương sau mỗi vụ thu hoạch.