Tên thường gọi: Bọ xít muỗi
Tên khoa học: Helopeltis theivora
Các loại cây trồng thường bị hại: Hồ tiêu, điều, bơ,…
Đặc điểm nhận biết
– Trưởng thành: Cơ thể thon dài, râu dài, chân mỏng như chân muỗi nên, di chuyển rất nhanh, trên lưng có một chùy nhỏ.
– Ấu trùng: Có hình thái giống với bọ xít muỗi trưởng thành, di chuyển rất nhanh, khi cảm giác được nguy hiểm chúng thường trốn ở mặt dưới lá hoặc thả mình rơi xuống đất.
– Trứng: Có màu trắng, khoảng 1mm, được đẻ rải rác hoặc thành từng ổ trên các bộ phận non hoặc các bộ phận đang phát triển của cây.
Biểu hiện
– Bọ xít muỗi xuất hiện quanh năm trong vườn tiêu, nhưng gây hại nặng nhất vào mùa mưa, đặc biệt là thời kỳ cây ra đọt, lá, hoa và quả non.
– Phương thức gây hại chính của bọ xít muỗi là dùng vòi chích vào các bộ phận non để hút dịch, chất độc có trong nước bọt của chúng khiến cho vị trí vết chích bị hoại tử và thâm đen theo từng mảng.
Hậu quả
– Lá biến dạng, cong queo, dễ rụng, khả năng quang hợp giảm, cây kém phát triển, ảnh hưởng đến quá trình ra hoa tạo quả.
– Bọ xít muỗi tấn công tạo thành các vết sẹo lõm trên bề mặt quả, làm mất giá trị thương phẩm, ảnh hưởng đến giá thành và khả năng tiêu thụ của tiêu, gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con nông dân.
– Ngoài ra, bọ xít muỗi còn là tác nhân trung gian tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công cây tiêu thông qua các vết chích hút.